[tintuc]
Bệnh trĩ – Tại sao hay bị mắc và khó điều trị dứt điểm.
Bệnh trĩ rất hay gặp và khó điều trị dứt điểm. Tại sao lại như vậy ? Cổ nhân có câu “thập nhân cửu trĩ” để nói rằng cứ 10 người thì có tới 9 người bị căn bệnh này. Những điều kiện thuận lợi cho bệnh trĩ phát triển là gì, mức độ gây hại cho cơ thể ra sao ? Hãy cùng Đông Y Gia Truyền Tấn Khang tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!.
Tổng quan về bệnh trĩ.
Bệnh trĩ được định nghĩa là tình trạng rối loạn ở khu vực hậu môn trực tràng và có nhiều yếu tố thuận lợi gây ra trĩ.
Định nghĩa bệnh trĩ.
Bệnh trĩ được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua và vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại ngùng nhất là phụ nữ.
Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây bệnh trĩ.
Nguyên nhân của bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi như là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Tư thế đứng.
Khi nghiên cứu về các áp lực tĩnh mạch trĩ ở bệnh nhân mắc bệnh trĩ, người ta thấy ở tư thế nằm áp lực của tĩnh mạch trĩ là 25cm nước, khi đứng tăng vọt lên là 75cm nước. Trên lâm sàng, bệnh trĩ thường gặp nhiều ở những người đứng nhiều, ngồi lâu, ít đi lai như nhân viên bán hàng, thợ may, thư ký bàn giấy,…
Táo bón kinh niên.
Bệnh nhân mắc táo bón khi đại tiện phải rặn nhiều. Khi rặn áp lực lên ống hậu môn tăng gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài
Hội chứng lỵ.
Những bệnh nhân bị bệnh lỵ một ngày đi đại tiện nhiều lần và mỗi lần đi đại tiện đau quặn bụng, bắt buộc phải rặn. Rặn làm áp lực ổ bụng tăng lên rất nhiều.
Hội chứng ruột bị kích thích.
Những năm gần đây hội chứng ruột bị kích thích (IBS: Irritable bowel syndrome) được nhắc tới nhiều. Bệnh nhân mắc hội chứng này thường mỗi ngày có nhiều cơn đau quặn bụng và mót đại tiện, khi đại tiện là phải rặn.
Tăng áp lực ổ bụng.
Bệnh nhân ho nhiều do viêm phế quản mãn tính, do giãn phế quản, bệnh nhân suy tim, xơ gan…và những người thường xuyên lao động nặng nhọc, áp lực ổ bụng liên tục tăng lên, cản trở máu tĩnh mạch của vùng hậu môn trở về hệ thống tuần hoàn chung.
U bướu hậu môn trực tràng và các vùng xung quanh.
Thai nhiều tháng, ung thư trực tràng, ung thư tử cung, u xơ tử cung, các u vùng tiểu khung, đáy chậu…khi to có thể chèn ép, cản trở đường về máu của tĩnh mạch, làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ. Trong những trường hợp này, trĩ được tạo nên do những nguyên nhân cụ thể, rõ ràng nên được gọi là trĩ triệu chứng. Về phương thức điều trị, trĩ bệnh và trĩ triệu chứng rất khác nhau.
Các tổn thương gây ra bởi bệnh trĩ.
Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội được hình thành do quá dãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ trong, trĩ ngoại do dãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ ngoại. Các đám rối tĩnh mạch nằm ở ba vị trí, bên phải có hai, một ở phía trước, một ở phía sau, và bên trái có một. Khi các đám rối tĩnh mạch này dãn ra tạo thành ba búi trĩ. Ở tư thế nằm ngửa, các búi phải tương ứng với vị trí 10-11h, búi phải tương ứng với vị trí 7-8h, búi trái tương ứng với vị trí 3-4h của mặt đồng hồ.
Trĩ nội.
Trĩ nội nằm ở lớp dưới niêm mạc, phía trên đường lược. Bao bọc chung quanh búi trĩ là niêm mạc. Lúc đầu búi trĩ còn nhỏ, nằm trên đường lược. Về sau to dần ra, mô nâng đỡ và dây chằng Parks chùng ra trĩ sa xuống. Tùy mức độ sa ít hay nhiều mà trĩ nội chia làm nhiều mức độ
Trĩ nội độ 1: Búi trĩ sa thấp xuống dưới đường lược, nhưng vẫn nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
Trĩ nội độ 2: Búi trĩ sa thấp hơn nữa. Lúc nghỉ ngơi, búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn. Khi rặn, búi trĩ thập thò ở lỗ hậu môn có thể nhìn thấy được
Trĩ nội độ 3: Khi rặn đại tiện, khi đi lại nhiều, khi ngồi xổm hay khi làm việc nặng, búi trĩ sa ra, nằm ngoài ống hậu môn. Khi đại tiện xong búi trĩ tự tụt vào hay phải nằm nghỉ hồi lâu búi trĩ mới tụt vào hoặc nhét vào
Trĩ nội độ 4: Búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn có nhét vào lại cũng tụt ra ngay.
Trĩ ngoại.
Trĩ ngoại được hình thành do dãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ ngoài nằm dưới da chung quanh lỗ hậu môn. Trĩ ngoại nằm ngoài hậu môn, bao bọc búi trĩ ngoại là da.
Trĩ hỗn hợp.
Trĩ nội nằm trong ống hậu môn, trĩ ngoại nằm ngoài ống hậu môn. Chúng phân cách nhau bởi đường lược. Ở vùng đường lược, niêm mạc dính chặt với mặt trong cơ thắt trong bởi dây chằng Parks. Dây chằng Parks là những sợi cơ đi từ mặt trong của cơ thắt trong đến bám vào niêm mạc ống hậu môn. Khi dây chằng Parks bị thoái hoá keo, nhẽo ra không đủ sức phân cách trĩ nội và trĩ ngoại, chúng hợp lại với nhau tạo thành trĩ hỗn hợp.
Trĩ vòng.
Lúc đầu, các búi trĩ nội cũng như các búi trĩ ngoại nằm phân cách nhau; ở 3 vị trí phải trước, phải sau và trái. Về sau, các búi trĩ nội và ngoại hợp nhau tạo thành các búi trĩ hỗn hợp. Các búi trĩ hỗn hợp này to dần lên và giữa các búi trĩ chính lại xuất hiện các búi trĩ phụ làm cho chúng liên kết nhau, tạo thành một vòng tròn trĩ: trĩ vòng. Trên vòng tròn trĩ, có chỗ to chỗ nhỏ, giữa chúng là các ngấn nông hay sâu.
Đông Y gia Truyền Tấn Khang chúc bạn sức khỏe.
[/tintuc]